Skip to content

Thời đại 4.0, ngành Sư phạm Công nghệ "lên ngôi"

02/05/202433 lượt đọc


Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Sư phạm Công nghệ sẽ có nhiều cơ hội công việc, ngoài làm giáo viên còn có thể làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp.

Công nghệ đang dần thoát “mác” môn phụ

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tất Thắng - Trưởng Khoa Du lịch và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đồng thời là Tổng Chủ biên sách giáo khoa Công nghệ, bộ sách Cánh Diều chia sẻ: Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, năng lực “Công nghệ” là một trong bảy năng lực đặc thù của người học. Môn Công nghệ trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn học có nhiều điểm mới, một trong số đó là “tích hợp giáo dục STEM”, giáo dục định hướng nghề nghiệp.

 Tiến sĩ Nguyễn Tất Thắng - Trưởng Khoa Du lịch và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: NVCC

STEM là một mô hình giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh dựa trên sự tích hợp những kiến thức, kĩ năng liên quan đến các lĩnh vực Khoa học (Science),Công nghệ (Technology),Kỹ thuật (Engineering) và Toán học (Math),giúp học sinh đáp ứng được nhu cầu công việc của thế kỷ XXI, đáp ứng sự phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia và có thể tác động tích cực đến sự thay đổi của nền kinh tế tri thức trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Chính vì thế, yêu cầu về số lượng cũng như chất lượng của giáo viên Công nghệ hiện nay đang ngày một tăng, và ngành Sư phạm Công nghệ được dự đoán sẽ nắm giữ vai trò trọng yếu trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh và cung cấp nguồn nhân lực có năng lực phù hợp với nhu cầu thị trường lao động trong kỷ nguyên số.

Thạc sĩ Lê Thị Xinh - Phó trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Hiện nay ở Thủ Đức vẫn còn thiếu giáo viên môn Công nghệ (cấp trung học cơ sở). Cụ thể, trong đợt tuyển dụng giáo viên năm học 2023-2024, nhu cầu tuyển giáo viên môn Công nghệ (của cấp trung học cơ sở) của thành phố là 25 người, thế nhưng chỉ tuyển được 05 người”.

Chia sẻ với phóng viên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Hồng - Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh - Tổng Chủ biên sách giáo khoa Công nghệ, bộ Chân trời sáng tạo - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam kỳ vọng: Thông qua chương trình đào tạo hiện nay ở các trường đại học, ngành Sư phạm Công nghệ sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển đúng hướng của giáo dục STEM, và giúp giáo viên Công nghệ có khả năng chủ động tổ chức các hoạt động giáo dục STEM mà không phụ thuộc vào sự trợ giúp của những đơn vị bên ngoài.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Hồng - Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC 

Mặc dù ngành giáo dục không phân biệt môn chính, môn phụ nhưng trong nhận thức xã hội vẫn thường có sự phân biệt, và không ít người xem Công nghệ là môn phụ. Chia sẻ về định kiến này, thầy Hồng tâm sự: “Tôi vẫn hay nói đùa với các bạn sinh viên và một số giáo viên Công nghệ là, giờ mình phải biết liệu cơm gắp mắm, cố gắng thúc đẩy, phát triển để môn Công nghệ dần thoát “mác” môn phụ”.

Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Công nghệ là môn học bắt buộc ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở (giai đoạn giáo dục cơ bản),và thuộc nhóm môn học lựa chọn ở cấp Trung học phổ thông (giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp).

Đây chính là lợi thế giúp đảm bảo công việc cho các bạn, cũng là cơ hội để dần thay đổi nhận thức của mọi người về môn Công nghệ. Song, muốn phụ huynh hay học sinh hiểu được tầm quan trọng của môn Công nghệ, chúng ta phải tập trung vào vai trò của khoa học công nghệ và định hướng nghề nghiệp cho học sinh về lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ (lĩnh vực STEM) - những lĩnh vực có triển vọng rất lớn trong nền công nghệ 4.0.

“Trong bối cảnh thời đại công nghệ 4.0, chuyển đổi số mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực, thì ngành Giáo dục cũng không ngoại lệ. Trong các ngành Sư phạm, ngành Sư phạm Công nghệ hiện nay có vai trò quan trọng và đang rất cần thiết. Các trường phổ thông có nhu cầu rất lớn đối với việc tuyển dụng giáo viên môn Công nghệ” – Thạc sĩ Lê Thị Xinh nhận định.

Chương trình đào tạo Sư phạm Công nghệ của nhiều trường có gì nổi bật?

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Hồng, ngành Sư phạm Công nghệ tại Viện Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu tuyển sinh từ năm 2023.

Chương trình đào tạo của ngành tại trường trang bị đầy đủ cho sinh viên đầy đủ kiến thức và lập luận về kỹ thuật, công nghệ, sư phạm; rèn luyện cho các bạn khả năng nhận biết, phân tích, thiết kế, triển khai, vận hành các hoạt động giáo dục, các ứng dụng công nghệ trong nhiều môi trường làm việc, từ các cơ sở đào tạo đến các tổ chức, doanh nghiệp,...

Là trường có thế mạnh về kỹ thuật, sinh viên ngành Sư phạm Công nghệ tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều thuận lợi trong quá trình học.

Mỗi mảng kiến thức chuyên biệt về công nghệ, sinh viên đều được học tập tại các khoa chuyên môn, đảm bảo chất lượng giảng viên và mang lại cho các bạn cơ hội tiếp cận với cơ sở vật chất hiện đại.

Sinh viên ngành Sư phạm Công nghệ - Viện Sư phạm Kỹ thuật - Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NTCC 

Chẳng hạn, các học phần liên quan đến lập trình sẽ do các thầy cô ngành Công nghệ thông tin giảng dạy, liên quan đến lĩnh vực điều khiển robot để dạy STEM sẽ có trợ giúp của các thầy cô ở khoa Điện – Điện tử, hay trong việc học cách chế biến và tạo ra các sản phẩm từ gỗ, sinh viên cũng sẽ được chỉ dạy tận tình từ các giảng viên ở bộ môn Kỹ nghệ gỗ,...

Có thể nói, Viện Sư phạm Kỹ thuật mặc dù là đơn vị chủ trì, quản lý ngành Sư phạm Công nghệ, song sự tham gia của các khoa chuyên môn trong trường giúp tạo nên sự hoàn chỉnh và đáp ứng được khối lượng kiến thức đa dạng trong chương trình đào tạo.

Để theo kịp chương trình học ngành này không hề đơn giản. Bởi với tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ, chương trình học cũng thường xuyên được bổ sung, chỉnh sửa, kiến thức thầy cô đưa vào trong mỗi buổi học đều có tính cập nhật cao, điều này đòi hỏi sinh viên phải tiếp thu nhanh chóng những kiến thức mới.

“Cách để ghi nhớ kiến thức nhanh nhất chính là thực hành. Chính vì vậy, bắt đầu từ năm 2, sinh viên sẽ được tham gia nhiều hoạt động kiến tập tại các cơ sở giáo dục, công ty, doanh nghiệp liên quan đến STEM, cơ khí, điện, lập trình công nghệ thông tin. Đây là những cơ hội quý giá để sinh viên được trực tiếp quan sát, đánh giá và trải nghiệm các hoạt động trong thị trường làm việc tiềm năng của mình”, thầy Hồng nhấn mạnh.

Hiện nay, trường và Viện đang liên kết với rất nhiều các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, chuẩn bị sẵn sàng cho các kỳ kiến tập, thực tập sắp tới của sinh viên.

Theo thầy Hồng, học sinh có nền tảng kiến thức liên quan đến lĩnh vực Khoa học Tự nhiên có thể học ngành Sư phạm Công nghệ.

Được định hướng theo lĩnh vực Sư phạm và Khoa học kỹ thuật, nên sinh viên học ngành này cần có có sự đam mê về công nghệ, có mong muốn làm việc trong lĩnh vực công nghệ, STEM.

Về kiến thức chuyên môn, những bạn có thế mạnh về Toán, Vật lý, Công nghệ thông tin, Tiếng Anh,…sẽ thuận lợi hơn trong quá trình học tập. Tất nhiên khi trở thành sinh viên Sư phạm Công nghệ, các bạn sẽ nhận được sự đồng hành, giúp đỡ của giảng viên để dần cải thiện những hạn chế của mình.

Chia sẻ về ngành Sư phạm Công nghệ tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tất Thắng cho biết: “Học viện đã có hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo nhân lực ngành Sư phạm Kỹ thuật Nông nghiệp, cùng với sự phát triển trong lĩnh vực Cơ điện, công nghệ.

Vậy nên trước nhu cầu giáo viên Công nghệ tăng cao, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã dựa trên nền tảng chương trình đào tạo ngành Sư phạm Kỹ thuật Nông nghiệp để xây dựng và tổ chức đào tạo ngành Sư phạm Công nghệ trình độ đại học từ năm 2020.

Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy tích hợp giáo dục STEM trong Chương trình giáo dục phổ thông môn Công nghệ 2018, ngay khi xây dựng chương trình đào tạo ngành Sư phạm Công nghệ, chúng tôi đã thiết kế riêng một chuẩn đầu ra về giáo dục STEM; xây dựng học phần về dạy học theo định hướng giáo dục STEM; đồng thời tích hợp giáo dục STEM trong các học phần liên quan trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho sinh viên.

Trong đó, lượng kiến thức chuyên môn theo hướng tiếp cận với mục tiêu giáo dục mới được tăng lên, thời lượng thực hành nhiều hơn so với chương trình đào tạo ngành Sư phạm Kỹ thuật Nông nghiệp. Sinh viên được học tập lý thuyết gắn với thực tiễn. Học viện có khuôn viên rộng gần 200 hecta với đầy đủ các khu chức năng để sinh viên học tập trải nghiệm: học lý thuyết, thực hành, thực tập, nghiên cứu khoa học, giáo dục trải nghiệm,…”

Ngành Sư phạm Công nghệ tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam có đội ngũ các giảng viên là các nhà khoa học, chuyên gia tham gia xây dựng chương trình giáo dục phổ thông 2018 và viết sách giáo khoa, do vậy, chương trình đào tạo của ngành được cập nhật theo tinh thần của chương trình mới.

 Sinh viên ngành Sư phạm Công nghệ đang giới thiệu sản phẩm nghiên cứu khoa học tại Ngày hội Sinh viên nghiên cứu khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam năm 2023. Ảnh: NTCC
 

Ngoài việc được hỗ trợ 100% tiền đóng học phí và 3,63 triệu đồng/tháng tiền sinh hoạt phí theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP, sinh viên ngành Sư phạm Công nghệ tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam còn được hưởng các chế độ chính sách của Học viện như: chính sách học bổng khuyến khích học tập, học bổng của các nhà tài trợ, học bổng thủ khoa, á khoa đầu vào; có cơ hội được đi thực tập hưởng lương tại các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc,…theo các chương trình hợp tác của Học viện với mức thu nhập 40-50 triệu đồng/tháng…

Thêm vào đó, Học viện có mạng lưới đông đảo các đối tác là các doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đào tạo, các viện nghiên cứu, chuyên gia trong nước và quốc tế, cựu sinh viên trên khắp cả nước và quốc tế; được các đối tác tham gia tư vấn, hỗ trợ về mọi mặt, trong đó có cả lĩnh vực giáo dục STEM, robotic.

Tại Học viện cũng có Câu lạc bộ Robotic của sinh viên, có các ngành đào tạo liên quan trực tiếp đến công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp (công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện,…) và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, thú y, thuỷ sản (nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ rau hoa quả và cảnh quan, công nghệ sinh học, công nghệ và kinh doanh thực phẩm,...). Đây sẽ là sân chơi bổ ích, là cơ hội cho sinh viên tham gia học tập, rèn luyện các năng lực STEM.

Tại Học viện, sinh viên ngành Sư phạm Công nghệ được trang bị nhiều kiến thức, kĩ năng chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội để trở thành những nhân sự làm việc trong lĩnh vực giáo dục.

Đầu tiên là kiến thức về các lĩnh vực khoa học: công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (đặc thù, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới);

Tiếp theo là kỹ năng dạy học, giáo dục hướng nghiệp theo nguyên lí giáo dục hiện đại, phát triển chương trình tích hợp, giáo dục STEM.

Cuối cùng, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kĩ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng hội nhập quốc tế…là những kỹ năng rất cần thiết của người lao động trong thế kỷ 21.

Cơ hội nghề nghiệp rộng mở

Không chỉ có lợi thế việc làm nhờ Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mà với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, vị trí của những chuyên gia công nghệ trong mỗi tổ chức là không thể thiếu. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Sư phạm Công nghệ sẽ có nhiều cơ hội công việc, có khả năng đảm nhận nhiều vai trò tại các cơ quan, doanh nghiệp. Một số công việc các bạn có thể làm như: Giáo viên dạy Công nghệ, giáo dục hướng nghiệp tại các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp; Giáo viên giảng dạy STEM, robotic trong trường phổ thông; Cán bộ quản lý giáo dục tại các cơ quan tổ chức trong, ngoài nước; Cán bộ nghiên cứu tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp…

Theo thầy Hồng, chương trình đào tạo ngành Sư phạm Công nghệ ở tất cả các trường đều giống nhau về nền tảng kiến thức cơ bản, còn những mảng kiến thức khác sẽ được lồng ghép vào trong nội dung học để làm nổi bật ưu điểm của mỗi trường.

Đồng tình với ý kiến này, thầy Thắng chia sẻ, sinh viên tốt nghiệp ngành Sư phạm Công nghệ tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng có thể trở thành giảng viên công nghệ tại các trường thuộc khối Nông – Lâm nghiệp và Thuỷ sản, Công nghiệp; cán bộ làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thuộc lĩnh vực Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, Kỹ thuật – Công nghệ,…

Về vấn đề việc làm, Anh Phan Nguyễn Trúc Phương, Phó giám đốc Công ty GaraSTEM - một công ty nghiên cứu và sản xuất thiết bị hỗ trợ giảng dạy STEM cho các trường phổ thông chia sẻ: Sinh viên ngành Sư phạm Công nghệ còn có thể đảm nhiệm vị trí chuyên gia đào tạo nội bộ của doanh nghiệp, vì bản chất các bạn có chuyên môn sư phạm và cả kỹ thuật, vậy nên khi công ty cập nhật hay áp dụng một công nghệ mới nào, các bạn hoàn toàn có thể nhanh chóng nắm bắt và đào tạo kiến thức mới cho nhân sự.

 Anh Phan Nguyễn Trúc Phương, Phó giám đốc công ty GaraSTEM. Ảnh: NVCC

“Một số yêu cầu chuyên môn mà các bạn sinh viên ngành Sư phạm Công nghệ cần có để có thể làm việc trong doanh nghiệp là có thể thiết kế được chương trình đào tạo và cần biết nắm bắt nhanh cách vận hành, ứng dụng 1 công nghệ mới.

Những kỹ năng này nằm trong 1 tổ hợp môn trong chương trình đào tạo của các bạn, đó là môn công nghệ dạy học.

Ngoài ra, các bạn cũng cần biết dùng những công nghệ mới để ứng dụng vào việc thiết kế đồ dùng dạy học và thiết kế chương trình dạy phù hợp với lứa tuổi”, anh Phương cho hay.

Được biết, một số sinh viên Sư phạm Công nghệ khóa đầu tiên (2023-2027) của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang là thực tập sinh tại GaraSTEM.

Trong quá trình thực tập, các bạn được công ty hướng dẫn cách thiết kế chương trình học, giải pháp giáo dục. Cụ thể, anh Phương hiện đang hướng dẫn một nhóm sinh viên ứng dụng công nghệ thực tế ảo để thiết kế đồ học tập cho trẻ tự kỷ, giúp các em hòa nhập được với những bạn nhỏ khác.

Sau khi ra trường, mức lương khởi điểm các bạn nhận được có thể dao động từ 8 triệu đến 9 triệu và sẽ còn phát triển hơn theo thời gian làm việc.

Về công tác tuyển sinh, thầy Thắng nhận định: “Nhờ có các chính sách ưu đãi của Nhà nước hỗ trợ sinh viên sư phạm, công tác tuyển sinh sinh viên ngành Sư phạm Công nghệ trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng lên”.

Tuy nhiên, để học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông quan tâm và đăng kí vào học ngành Sư phạm Công nghệ, các trường đại học có đào tạo ngành này cần phải phối hợp với các trường phổ thông nhằm tăng cường hơn nữa công tác tổ chức hướng nghiệp cho các em học sinh, để các em hiểu được vị trí, vai trò của giáo viên Công nghệ, ngành Sư phạm Công nghệ đối với ngành giáo dục và đào tạo, đối với xã hội và đất nước.

Các cơ quan quản lý giáo dục cần phối hợp với các cơ quan truyền thông, doanh nghiệp để triển khai các chương trình tư vấn hướng nghiệp nhằm thay đổi cách nhìn của xã hội, các nhà quản lý, giáo viên và học sinh về vai trò của môn Công nghệ.

Các cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo ngành Sư phạm Công nghệ cần đổi mới chương trình đào tạo, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất đào tạo ngành Sư phạm Công nghệ; đẩy mạnh truyền thông, nêu cao vai trò của giáo dục công nghệ tới sinh viên ngành Sư phạm Công nghệ để các em có nhận thức đúng đắn, tích cực học tập, trau dồi kiến thức đáp ứng yêu cầu giảng dạy môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

5/5 (1 bầu chọn)  

Hỗ trợ trực tuyến

 Ngoại ngữ Trung-Nhật-Hàn

quynhtrangmoon1998@gmail.com | 0981890542

Ngoại ngữ Tiếng Anh

Lc0350@gmail.com  | 0904967677

Du học-Đào tạo Quốc tế

vananhnn1@gmail.com | 0367029910

Thực tập sinh Nhật Bản

nguyenthanhbinh@vnua.edu.vn | 0904092627

Đang trực tuyến:
Đã truy cập: