Skip to content

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề xuất 4 giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực phòng chống thiên tai

05/11/202439 lượt đọc


Tại phiên thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã kiến nghị việc đào tạo nhân lực phòng chống thiên tai.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam (thuộc đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội),Việt Nam thuộc nhóm 5 quốc gia chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu. Các hiểm họa tự nhiên đã và đang gây ra những thiệt hại rất to lớn cả về người và của cho đất nước. 

Đảng và Nhà nước ta đã xác định rõ phòng chống thiên tai là một trong những nhiệm vụ cấp thiết hàng đầu để bảo đảm phát triển bền vững đất nước, sự yên bình và ổn định của xã hội.

Gần đây nhất, trong dịp về thăm Học viện Nông nghiệp Việt Nam ngày 12 tháng 10 năm 2024 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết của việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác phòng chống thiên tai. 

Nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là trụ cột được xếp hàng đầu trong bốn trụ cột của khung Sendai mà 187 quốc gia đã ký kết trong tháng 3 năm 2015 tại Sendai (Nhật Bản) về giảm thiểu rủi ro thiên tai.

GS.TS Nguyễn Thị Lan cho biết, Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Canada và nhiều quốc gia trên thế giới rất chú trọng đến công tác phòng ngừa thiên tai. 

Theo đó, Nhật Bản có nhiều chương trình giáo dục về phòng chống thiên tai, coi giáo dục về thiên tai là một phần của chương trình giảng dạy quốc gia, được giảng dạy tại các trường từ nhà trẻ đến trường trung học; chương trình giáo dục cộng đồng... Nhiều quốc gia có chương trình đào tạo đại học, sau đại học về quản lý khẩn cấp, quản lý thảm họa và rủi ro liên quan đến phòng chống thiên tai.

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam kiến nghị một số giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực phòng chống thiên tai. Ảnh: quochoi.vn. 

"Tại Việt Nam, chúng ta đã rất nỗ lực cố gắng và có nhiều giải pháp ứng phó và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai, tuy nhiên thực trạng nguồn nhân lực thực hiện phòng chống thiên tai còn thiếu, hầu hết chưa được đào tạo qua trường lớp chính quy; chủ yếu kiến thức được đúc kết từ kinh nghiệm bản thân qua thực tiễn, nhiều cán bộ từ cấp thôn bản đến các cấp cao hơn có lúc còn chưa đáp ứng đầy đủ được yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng và kinh nghiệm thực tế. Hiện nay hầu như chưa có cơ sở đào tạo đại học nào đào tạo và cấp bằng về ngành phòng chống thiên tai", Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nêu một thực tế.

Từ góc nhìn của một cơ sở giáo dục đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp- một lĩnh vực chịu nhiều thiệt hại nặng nề khi thiên tai xảy ra, với mong muốn Việt Nam có thể thực hiện tốt hơn công tác phòng chống thiên tai, GS.TS Nguyễn Thị Lan kiến nghị 4 giải pháp liên quan đến công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực phòng chống thiên tai.

Một là, tăng cường và thường xuyên đào tạo, tập huấn và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực tiễn về phòng chống thiên tai cho đội ngũ cán bộ các cấp và người dân.

Rà soát, cải tiến và xây dựng mới các chương trình đào tạo bài bản, phù hợp về phòng chống thiên tai ở các cấp học, bậc học đảm bảo cập nhật về nội dung, kiến thức, công nghệ mới của thế giới và phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam, đảm bảo sự liên thông giữa các cấp học và bậc học, giữa trong và ngoài nước. Tổ chức các loại hình đào tạo từ đào tạo ngắn hạn đến đào tạo dài hạn, cần có cơ chế đặc thù để mở ngành đào tạo bậc đại học và sau đại học.

Hai là, rà soát năng lực của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong cả nước để tập trung nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu sâu trong lĩnh vực phòng chống thiên tai nhằm tạo ra các cơ sở đào tạo/trường đại học, các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, chuyên nghiệp đủ mạnh, đủ năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực quan trọng này cho đất nước.

Ba là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác phòng, chống thiên tai. Trong đó, chú trọng tới việc cử cán bộ quản lý, chuyên gia nghiên cứu, đội ngũ giảng viên đi học tập và đào tạo, nghiên cứu tại các nước tiên tiến, có nhiều kinh nghiệm trong phòng chống thiên tai để đủ sức kiến tạo, dẫn dắt, tham mưu và triển khai các chủ trương về phòng chống thiên tai của đất nước.

Bốn là, Chính phủ sớm ban hành một Nghị định về công tác đào tạo nguồn nhân lực cho phòng chống thiên tai, đẩy mạnh chính sách thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực trẻ tham gia học tập, nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực này, có chính sách đặt hàng, quy định rõ vị trí việc làm về phòng chống thiên tai, từng bước hình thành đội ngũ phòng chống thiên tai chuyên trách đủ mạnh từ Trung ương tới cơ sở.

https://danviet.vn/

5/5 (1 bầu chọn)  

Hỗ trợ trực tuyến

 Ngoại ngữ Trung-Nhật-Hàn

quynhtrangmoon1998@gmail.com | 0981890542

Ngoại ngữ Tiếng Anh

Lc0350@gmail.com  | 0904967677

Du học-Đào tạo Quốc tế

vananhnn1@gmail.com | 0367029910

Thực tập sinh Nhật Bản

nguyenthanhbinh@vnua.edu.vn | 0904092627

Đang trực tuyến:
Đã truy cập: